Tuesday, January 24, 2017

Đồ da, giá nào cũng có


     Với một người bán đồ da thủ công như mình, luôn có một ước muốn tha thiết đó là khách hàng biết đánh giá đúng giá trị của món đồ mà họ mua. Giữa những câu quảng cáo hút khách tràn ngập facebook, những lời thề thốt của cửa hàng đồ da mọc lên như nấm sau mưa, khách vẫn biết được hàng nào xịn là an ủi mình lắm lắm.

     Vẫn có vài khách hàng đến hỏi mình tại sao đồ da thủ công lại mắc thế, trong khi làm bằng tay, không chuyên nghiệp, không đúng tiêu chuẩn bằng những công ty lâu năm sản xuất đồ da được. 

    Nói về cái tinh hoa của đồ thủ công, sự độc đáo và cái hồn mà người làm truyền tải vào mổi sản phẩm là vấn đề mình đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, điều đó được chấp nhận hay không, còn tùy vào sự tinh tế của khách. Giống như những người yêu nét vẽ tay đầy cảm xúc của nhà sản xuất phim Ghibli hơn là những nét vẽ công nghệ nhanh chóng và chuẩn xác của phần lớn hãng phim khác. Những gì tinh hoa nhất luôn có hồn, đến từ trí óc và bàn tay của người thực, không phải từ một cỗ máy.

Bài này mình chỉ bàn đến khía cạnh chất lượng, có thực đồ da công nghiệp rẻ và chất hơn hay không.

     Thật dễ dàng để kiếm một nhà cung cấp đồ da công nghiệp trong thời buổi hiện nay. Bạn cứ ra cửa hàng khắc laser, hỏi người ta xưởng nào bán sỉ giá rẻ hay mang đồ đến đây khắc, người ta sẽ cho bạn hẳn mấy địa chỉ. Về loại da, lẫn mẫu mã, không khác nhau là mấy.

     Dù những xưởng này chấp nhận in logo theo ý người đặt, nhưng bạn hãy để ý về loại da, lẫn đường may, không hề có bất kỳ sự khác biệt nào với những sản phẩm họ đã làm sẵn. Mà sản phẩm họ làm sẵn là gì, đó là những hàng fake Tommy, Chanel, Gucci…, được gắn mác dưới danh nghĩa hàng da thật. Bạn có nghĩ rằng hàng da làm dư của các thương hiệu lớn mà các nhà máy giữ lại có đủ để làm ra nhiêu đó hàng fake “với loại da chính hãng” hay không?

     Tận dụng mối quan hệ với đứa bạn đang bán đồ da công nghiệp, mình có hẳn mấy chiếc ví đặt riêng từ xưởng để thử chất lượng. Không ví nào vượt qua 6 tháng sử dụng mà còn giữ được nguyên form ban đầu. Thậm chí có những loại ví còn được xưởng nhắc nhở mình nếu em lấy bán, chỉ bảo hành 1 năm thôi, vì năm thứ 2 là da này xuống cấp rồi. Ví đó, mình vẫn nhớ, dùng loại da Saffiano của Ý.

     Những loại da mình chọn để làm hàng thủ công ở nhà, có da trong nước, da nước ngoài, nhưng không loại da nào tệ đến mức 1 năm hỏng cả. Da của Ý lại càng bền, sao có chuyện 1 năm xuống cấp? Ít nhất cũng phải được 5 năm sử dụng thường xuyên. Hơn nữa, đồ da thật dùng càng lâu càng đẹp, lên nước bóng và mềm. Lâu lâu vẫn có khách nhắn mình, ví dạo này mềm lắm thích lắm, không cứng như hồi đầu nữa. Thời gian là cách tốt nhất để phân biệt chất lượng ví.

Sự khác nhau trên đường may
     Đường may của hàng công nghiệp cũng khác hàng thủ công. Bạn nào học may sẽ hiểu, hàng may máy nếu đứt 1 mũi coi như xổ tung luôn, còn hàng may tay thì vẫn dùng tiếp được để chờ đến khi sửa. Đương nhiên, đứt là phải mang đi sửa, cứ để vậy dùng lâu dài đâu được :3

     Ngay đến chỉ may cũng khác. Hàng công nghiệp dùng chỉ ở đâu mình không rõ, nhưng qua thử nghiệp thì thấy dễ bị đứt. Điều này dễ hiểu, khi bạn sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm 1 lúc thì từng đồng tiết kiệm được của kim chỉ cũng trở thành một số tiền lớn, giảm chi phí bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Hàng may công nghiệp rẻ hơn một phần nhờ vậy.

Hàng may thủ công ở mình, chỉ được dùng loại chỉ dầu chỉ sáp của những thương hiệu có tên tuổi, ngăn thấm nước vô lõi, được sản xuất riêng để may đồ da, thoải mái co giãn và ngâm nước thời gian dài.


     Có người sẽ thích hàng rẻ, không quá chú tâm đến những thứ không nhìn thấy, có nhu cầu thay đổi mẫu mã thường xuyên, có người lại sẵn sàng trả giá cao cho một món đồ thật chất và dùng hàng chục năm không chán. Mình không phán xét về cách tiêu dùng, chỉ mong khách luôn biết được mình mua món gì, giá trị thế nào, để không còn phải ấm ức khi mua món đồ không ưng ý, về giá, hay về chất lượng.

Saturday, January 30, 2016

Kỹ thuật mài dao lạng da

Để may chồng nhiều tấm da lên nhau, hay để gấp mép giúp sản phẩm trở nên sang trọng đẳng cấp hơn 1 bậc thì việc đầu tiên cần làm đó là bạn phải tìm một tấm da thật mỏng.

Còn nếu không tìm được da mỏng, bạn có thể sử dụng dao lạng da mài bớt phần ruột đi. Không cần lo lắng mài mỏng đi thì da sẽ kém chất lượng, nhanh hỏng gì đâu nha. Bởi vì phần quan trọng nhất của da là lớp bên ngoài, lớp ngoài mà đã rách thì lớp ruột có dày mấy cũng thành vứt đi.

Để ý những thương hiệu về đồ da hiện bày bán ở các trung tâm thương mại lớn, bạn sẽ thấy là ví của họ được làm mỏng hết mức có thể, vừa mỏng vừa nhẹ, để vào túi không bị cộm và cầm lên cũng vừa tay hơn.
(Những ví này mình xem giá luôn rồi, giá tới vài triệu trong khi của mình chưa tới con số 500k cho một ví cơ bản đâu ạ, da mình dùng có khi còn tốt hơn và mình lại còn may tay - tranh thủ quảng cáo tý để bạn nào muốn mua thì liên hệ Hoàng, sđt 0971 528 445 nghen, mình ở quận 6 - HCM)



Dao lạng da bán trên thị trường thì rất nhiều, có hàng Trung Quốc, Việt Nam, Nhật đủ cả. Nhưng nếu mua về không có mài thêm gì thì vài lần sử dụng là cái dao coi như vứt đi chẳng dùng được nữa. Thế nên mình làm video này, bạn nào làm theo được thì nhớ mua dao lạng ủng hộ mình, còn nếu không làm theo được thì ... thuê mình mài, hay không chấp nhận nữa thì ... vứt dao cho mình dùng luôn nhé.

Video về kỹ thuật lạng da đây ạ, thấy quảng cáo thì nhớ click ủng hộ mình nghen ^^

Monday, January 18, 2016

Clip so sánh dao lạng da của Trung Quốc và Việt Nam

- Dao lạng mài từ lưỡi tăng-xê, thép TQ (cán xanh lá), giá 80K
- Dao lạng gia công từ thép gió VN (cán nâu), giá 145K


Xem qua clip, ta có thể thấy độ sắc bén của cả hai loại dao. sau đây là vài cảm quan cá nhân cũng như đánh giá ưu nhược điểm của mình.

Cả 2 loại dao đều được thử trên cùng một tấm da, tình trạng cả hai con dao đều được mài bén hoàn toàn. Chúng ta quan sát thấy đường lạng rất ngọt.

* Cảm quan cá nhân:
- Dao thép TQ cầm nhẹ hơn, gọn tay hơn.
- Dao thép gió VN cầm nặng hơn một ít, tuy không gọn nhưng cầm cũng vừa tay.
- Dao théo TQ khi lạng cảm giác độ bén của lưỡi dao không bằng thép gió VN.

* Đánh giá ưu nhược điểm (tổng hợp trong thời gian sử dụng lâu dài):
- Dao thép TQ giá rẻ hơn dao thép VN gần phân nửa.
- Bán đại trà ở các khu chợ tập trung nghề da tại HCM nên dễ mua, nguồn hàng dồi dào.
- Do giá thành rẻ và đại trà nên xét về tính kinh tế nhất thời thì dao thép TQ chiếm lợi thế hơn thép VN.
- Dao thép TQ khi mới mua từ chợ về thì 90% là không lạng được da ngay mà dòi hỏi phải mài lại lưỡi (đòi hỏi phải có kỹ thuật mài lấy lưỡi dao lạng)
- Dao thép gió VN, mua về có thể dùng ngay vì đã đc mài lưỡi sẵn theo tiêu chuẩn. Khi lưỡi cùn thì mài sơ lại để lấy độ bén cũng đơn giản hơn nhiều.
- Khả năng duy trì độ bén của lưỡi dao TQ kém hơn thép gió VN, nên trong quá trình lạng phải liếc lưỡi nhiều hơn.


Giá như trên, sđt liên hệ để mua dao lạng và các dụng cụ làm da khác: 0971 528 445, mình ở HCM

Friday, December 18, 2015

Cách căt đường bo tròn trên da thuộc


Ở những góc bo tròn cần cắt làm sao cho mịn, đẹp là vấn đề mà những người mới làm luôn trăn trở. Thực ra không quá khó đâu ạ, chỉ cần đúng kỹ thuật chút xíu thì bạn không cần thiết mua những dụng cụ chuyên dụng để tốn kém thêm làm gì.

Bước 1: Kiếm dụng cụ bo tròn cứng
Tùy kích thước, hình dạng góc bo tròn mà bạn kiếm loại dụng cụ nào cho phù hợp nhé. Ví dụ to thì bạn có thể sử dung cái bát ăn cơm, nhỏ thì dùng cái cúc bằng sắt. Chỉ cần nó cứng, tì dao vào không bị méo là được.



Bước 2: Đặt vật tròn đúng vị trí cần bo góc

Bước 3: Bắt đầu cắt.

Lưu ý: cắt theo từng nhát dứt khoát và tay phải giữ cố định. Đừng cứa đi cứa lại làm da nhăn nhở lát không sửa được đâu nghen.


Bước 4: Cắt tiếp theo cung tròn. Cắt đường thẳng tiếp tuyến với vòng tròn nhé, tránh tình trạng dùng dao rọc một đường theo cung tròn. Khó mà đúng chuẩn tròn lắm ạ


Rồi, vây là xong, đây là kêt quả. Còn việc làm sao cho cạnh nó mịn màng thì thuộc về giai đoạn đánh cạnh ạ. Chúc mọi người sớm thành thạo và có những sản phẩm tuyệt vời.





Wednesday, December 9, 2015

Bảng cắt tự liền cutting mat - Dụng cụ làm da

Cái bảng cắt xanh xanh mà mình vẫn để làm nền chụp, nó chính là Cuting Mat, hay còn gọi tên dân dã là bảng cắt tự liền. Rất nhiều người hỏi đến bảng này, cứ tưởng bảng vạch ra để cắt cho chuẩn theo từng ô vuông của nó, rồi sau khi nghe giá thì phản ứng đa phần là im lặng hoặc “sao giá cao thế nhỉ”. Ừ thì đúng là nó mắc so với cái bảng học sinh ở ngoài, nhưng công dụng của nó không chỉ có ở mấy ô vuông ấy đâu ạ.

Bảng cắt tự liền

I.                    CÔNG DỤNG CỦA CUTTING MAT:
-          Cutting Mat hay còn được gọi theo tiếng việt là Bảng Cắt Da, Bảng Cắt Tự Liền…
-          Bảng này dùng như một mặt phẳng khi đặt lên mặt bàn để không làm trầy mặt bàn đồng thời giúp da không xê dịch khi cắt, và giảm sự mài mòn lưỡi dao. Khi bạn đặt da trên mặt phẳng cứng như là bàn hay đá hoa cương để cắt, da sẽ bị xê dịch, dù một chút thôi cũng sẽ làm cho kích thước sai lệch. Còn đây là mặt phẳng dẻo, khi cắt da sẽ được ấn xuống, tạo thành đường rạch ở bảng, da được giữ chắc hơn, vết rạch này sau đó sẽ tự liền, tuy nhiên vẫn để lại đường xước trên bảng, không ảnh hưởng gì nhiều, tên “bảng cắt tự liền” là từ đặc tính này mà ra.
-          Trong một số trường hợp có thể cắt da dựa theo thước và các ô kẻ của Cutting Mat, vì không phải bao giờ mình đo ô vuông cũng chuẩn. Ai mới làm chắc thấm thía điều này nhất, kẻ đúng mà chẳng hiểu sao miếng da ra vẫn bị sai tè le.

II.                  CẤU TẠO VÀ CÁC SIZE CỦA CUTTING MAT
-          Cấu tạo gồm 2 đến 5 lớp. Loại bảng cắt phổ biến nhất với công việc làm da là loại 3 lớp: 2 lớp dẻo nằm ở hai mặt trước sau và 1 lớp lõi.
-          Kích thước rất da dạng,. Gồm các size: A4, A3, A2, A1, A0. Mỗi ô vuông của bảng cắt có kích thước 1x1cm
Bảng cắt A4 dùng cho các loại sản phẩm nhỏ như ví
III.                LỰA CHỌN KÍCH CỠ CUTTING MAT:
-          A4: dùng khi cắt da để may ví nam nữ hoặc các vật có kích thước nhỏ hơn…
-          A3: các loại túi xách nhỏ, túi đưa thư, túi đeo chéo…
-          A2: các loại túi xách to…
-          A1 & A0: để cắt chia da nguyên tấm, da khổ lớn.
** giới thiệu: Bảng cắt da 5 lớp, size A4, có thước đo và ô kẻ. SX Trung Quốc.
Giá từng loại bảng cắt:
Bảng cắt da A4 = 130k
Bảng cắt A3 = 180k
Bảng cắt da A2 = 290k

Liên hệ số điện thoại 0971 528 445 để mua hàng.

Wednesday, December 2, 2015

Làm dây treo tua rua xinh xắn cực dễ dàng

Những dây treo tua rua hình quả chuông phù hợp với rất nhiều vật dụng thường ngày của chúng ta. Bạn có thể treo nơi túi xách, giày dép, làm bông tai cá tính, hay treo trong nhà trang trí đẹp mắt.
 


Đuổi theo xu hướng “tua rua” của thời trang trên thế giới, hôm nay mình sẽ hướng dẫn bạn cách làm dây treo tua rua dễ dàng. Chỉ cần kéo và da, người chưa làm đồ da thuộc bao giờ cũng bắt tay làm được. Ngồi nhà làm chơi cái này lại có thể khiến cho chiếc túi nhạt nhẽo thường ngày được “thay áo”, trở nên cá tính, duyên dáng lên đáng kể đó.

Đây là những dụng cụ bạn cần sử dụng để làm được dây đeo da quả chuông.


Nên chọn loại da nào?

Tốt nhất bạn nên chọn những loại da mỏng, mềm, mặt bên trong có lớp da chưa xử lý (có nhiều loại da như veg-tan, mặt phía trong được xử lý bằng phẳng, dùng làm đồ da như túi ví thì thích nhưng làm tua rua như này lại thiếu đi sự mềm mại). Bạn có thể dùng da ruột, da lộn cũng được.

Cách làm:

Trước hết, cần có một dây dài để làm dây treo. Một sợi thôi là đủ. Chiều dài tùy bạn chọn nhé, nhưng cắt dài một chút lát đo không vừa có thể cắt ngắn lại. Da mỏng thì có thể dùng kéo cắt, chứ dùng dao với mấy loại da mỏng nhẹ đàn hồi tốt thì khó lắm.


Sau đó là cái chuông da tua rua. Bạn cắt thành miếng da hình chữ nhật, tùy thuộc chiều dài dây tua rua mà bạn muốn để ước lượng nhé. Ví dụ như mình treo nơi khóa túi thì chiều ngang tầm 7cm, chiều dài 15cm.

Bôi keo vào da. Bạn có thể sử dụng keo sữa, keo con chó thay thế cho những loại keo chuyên dụng để dán da đắt tiền và khó kiếm. Mình vẫn thường dùng keo con chó. Riêng keo 502 chắc nhưng mình khuyên là đừng nên dùng.

Hình dưới đây là vì dùng da lộn nên cắt mặt nào cũng như nhau, còn nếu bạn làm thì chú ý kẻo bôi keo nhầm mặt.

Cho sợi dây dài vừa cắt được lúc nãy vào giữa và dán cứng lại. Nếu sợ keo không giữ được sự chắc chắn, bạn có thể may một mũi để giữ lại.



Quấn thành vòng tròn là xong ạ. Vô cùng đơn giản.

Saturday, November 28, 2015

Nên chọn da loại nào để làm thắt lưng?


Để nhận diện một chiếc thắt lưng hàng tốt hay không, bạn chỉ cần vài tháng là rõ. Với ví, thời gian này có thể lâu hơn, bởi nó không cần phải cong vòng kéo co giãn suốt như thắt lưng. 

Mà thắt lưng lại là thứ dễ khiến người khác chú ý (Đến đây tôi biết sẽ có nhiều bạn hiểu theo cùng một hướng). Với phái nữ, thắt lưng là điểm nhấn ấn tượng. Với phái nam, thắt lưng thể hiện sự sang trọng lịch lãm. Nó không chỉ là một vật dụng để giữ cho quần khỏi rớt xuống, mà còn là một vật dụng thể hiện phong cách thời trang của chủ nhân.

Bởi thế, không ít đơn hàng của mình là những loại thắt lưng da bò, cả nam lẫn nữ, cả trẻ lẫn già.

Mà làm da thuộc bao giờ cũng phải để ý xem loại da đó có phù hợp với kiểu dáng sản phẩm hay không. Ở thắt lưng mà bạn dùng một loại da co giãn như dây chun, mềm mại ẻo lả như dây buộc tóc, thì coi như hỏng. Da ở đây trước hết phải đứng dáng, dày, càng ít co dãn càng tốt, ví dụ như da lưng con bò là lựa chọn tuyệt vời, chính là da ở phần lưng ngay xương sống.

Mình vẫn thường dùng da sáp dày, hoặc veg-tan tự nhuộm màu lên, chắp hai miếng lại. Như thế này có hơi tốn kém da một chút, nhưng được cái, chuẩn và đẹp.

Còn nếu không, có thể dùng da trâu. Da trâu in vân như da bò, rất khó nhận diện, mà thực ra cũng chẳng cần quan trọng lắm vấn đề này, bởi da trâu mà dùng da thật thì độ bền cũng rất cao. Hơn nữa độ dày da trâu là phù hợp nhất.

Còn da cừu, da dê, rẻ hơn, nhưng không thể làm được, bạn có thể yên tâm họ không dùng hai loại da này cho thắt lưng, bởi quá nhỏ không đủ chiều dài. Họ chỉ có thể làm giả da mà thôi.

Nói về chuyện giả da, đa phần da thắt lưng công nghiệp trên thị trường là da ruột. Tuy đúng là da thật, nhưng da ruột là da bỏ đi, rẻ hơn nhiều. Họ sẽ dùng phần bỏ đi đó, cho vào máy dập lại theo đúng độ dày của một chiếc thắt lưng, rồi xử lý bề mặt, sơn lên, nhìn y như một tấm da bò chính hiệu. Vừa là da bò, lại vừa đủ độ dày, không cần chắp miếng lại, vô cùng tiện lợi để sử dụng. Nhưng phế phẩm thì làm sao so sánh được với đồ thật, bạn cứ sử dụng một thời gian, sẽ thấy cứng còng, nứt nẻ, lúc đó sẽ biết thắt lưng 100k cam kết da thật có chất lượng khác với thắt lưng 500k như thế nào.



Tôi cho rằng, một người đam mê làm đồ da thuộc, họ sẽ không dùng những loại da phế phẩm đó để trục lợi tạm thời. Da thuộc là thứ bền vững với thời gian, nên chắc chắn thời gian sẽ giúp phân biệt được những người làm nghề có tâm nhất.