Saturday, February 28, 2015

Da chia là gì và có khác gì với da thuộc?

Không ít người hỏi mình về da chia, thực ra mình đã từng nói sơ qua trong 1 bài viết tổng hợp các loại da rồi mà ít ai để ý. Thế nên mình viết bài này miêu tả chi tiết về da chia luôn ạ.

Da chia là gì?

Da nguyên tấm rất dày, có thể tách thành nhiều lớp khác nhau. Trong đó lớp trên cùng sẽ là chất lượng tốt nhất. Lớp này có thể thấy rõ được lỗ chân lông, các đường vân, và nó không thua kém gì một tấm da nguyên, chỉ là làm cho mỏng đi mà thôi. Mọi người làm túi, ví chắc cũng có biết về máy lạng da, đó là máy mài lớp phía trong, chỉ để một lớp phía ngoài để dễ may vá xâu đục và không làm cộm đường may. Những lớp da ở ngoài cũng sẽ mềm đi theo thời gian sử dụng.

Còn da chia chính là những lớp da được tách ra từ da nguyên tấm theo bề dày của nó. Thông thường, nói da chia, bạn cứ hiểu rằng đó chính là những lớp da phía trong của 1 tấm da thuộc. Bạn có thể thắc mắc rằng da chia cũng có thể là lớp ngoài chứ sao. Đúng là như vậy. Nhưng nếu da chia dùng lớp ngoài cùng, người ta sẽ không gọi là da chia mà gọi da thuộc, bởi gọi da chia là làm giảm giá trị đi rồi còn gì. Thế nên đi ra ngoài mua hàng, người ta bảo da này được làm bằng da chia, thì chắc chắn là lớp ở trong của tấm da rồi.

Da chia có tốt như da thuộc không?

Da chia dùng lớp trong nên sẽ không tốt như lớp ở ngoài. Nó giống như da lộn vậy. Tuy nhiên có một vấn đề là người ta dùng da chia thì sẽ phủ lớp bảo vệ lên trên, giống như da thật. Độ bền của sản phẩm lúc này không phụ thuộc vào da nữa, mà phụ thuộc vào lớp bảo vệ. Độ đàn hồi của lớp bảo vệ và lớp da chia bên trong là không giống nhau, nên với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, chuyện bong tróc vẫn có thể xẩy ra.
Da chia hay da thuộc cứ phải nhìn tận mắt chứ không qua hình như này đâu ^^

Nhiều hãng nổi tiếng như Mango, Zara vẫn sử dụng da chia. Thế nhưng lớp bảo vệ tốt thì không có vấn đề gì nhiều. Da chia lợi hơn da thuộc ở chỗ làm các dáng túi đứng rất dễ. Trong khi da thuộc thường mềm và càng sử dụng lại càng mềm đi.

Phân biệt da chia bằng cách nào?

Quả thực là khó để phân biệt. Ví dụ như đường vân người ta cũng tạo ra được trên bề mặt lớp bảo vệ, hay là lỗ chân lông cũng vậy. Nhưng nhìn từ mặt cắt bạn sẽ thấy sự khác biệt. Da chia bị xơ, không chắc chắn và không mịn như da thuộc nguyên tấm.

Nhìn kỹ vào từng lỗ chân lông, các lỗ chân lông da thật thì có độ sâu nông to nhỏ không giống nhau, còn da chia thường các lỗ chân lông như nhau, độ đàn hồi của da thật cũng tốt hơn.


Mình là người tập tành tìm hiểu da theo ý thích, không qua đào tạo bài bản gì cả, cứ đi hỏi khắp nơi về các vấn đề liên quan đến da, thế nên không thể tránh khỏi sai sót. Bạn nào biết bổ sung thêm giúp mình nhé.